Lão nông miền Tây chế tạo điện gió sinh hoạt tiết kiệm tiền triệu mỗi tháng

4.8/5 - (310 bình chọn)

Để có được hệ thống điện gió, ông Bá đã phải bỏ ra 25 triệu đồng tiền đầu tư trang thiết bị như: Tua bin, trụ đỡ, tích điện, kích điện,… và hơn 1 năm dài nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ông, công trình này đã mang lại cho gia đình nhiều lợi ích lẫn tiện ích.

Nang Luong Dien Gio
Năng lượng điện gió phục vụ sinh hoạt.

Sau khi nghỉ hưu, ông Lê Hữu Bá (62 tuổi ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) tậu được mảnh vườn 3.000m² tại xã Tân Hoà, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, việc tưới tiêu canh tác lại gặp nhiều khó khăn, vì nơi đây xung quanh đều là vườn cây ăn trái và cách nhà dân rất xa. Nếu kéo điện thì phải đi đường dây rất dài, điện năng tiêu hao nhiều không thể bơm nước tưới trên diện tích rộng được, còn việc tưới thủ công thì một mình ông Bá không thể đảm đương nổi. Do đó nhiều năm qua, vườn của ông liên tục mất mùa.

“Tôi định kéo điện nhà nước, mà kế bên có người ta kéo rồi nhưng điện yếu lắm, bơm nước không được. Phía điện lực chịu kéo mà từ chỗ hạ thế đến chỗ tôi xa mấy trăm mét, tốn tiền dây chuyền lòng vòng trong vườn nhiều lắm, mà không an toàn nữa. Kéo xong không biết có bơm nước nổi không nữa. Tôi mới nghĩ mình nghiên cứu thử điện gió xem sao. Thấy ở Bạc Liêu mấy cái chong chóng quay chậm rì mà vẫn có điện.” – Ông Bá nói.

Vốn xuất thân là một kĩ sư cơ khí, bên cạnh việc vận dụng những kiến thức mình có được, ông Bá còn tìm hiểu thêm trên mạng, học hỏi người này người kia. Sau đó, lão nông còn mua đầy đủ các dụng cụ để làm thí nghiệm.

Theo ông Bá, nguyên tắc của điện gió là dựa vào sức gió để làm chuyển động cánh quạt mang theo tua pin phát ra điện. Trên tua pin có 3 pha AC, từ AC (dòng điện xoay chiều) đổi qua bộ điều khiển sạc sang DC (dòng điện 1 chiều), rồi nạp vô bình ắc quy tích trữ lại. Từ bình ắc quy, nếu muốn sử dụng điện lúc không có gió thì sử dụng biến tần đổi từ 12V ra 220V đúng với tần số thì có thể xài tất cả các đồ gia dụng trong nhà.

“Ban đầu, tôi không làm hộp tăng tốc, mà chỉ làm tua pin, làm cánh quạt là phát ra điện liền. Lúc đó, đã xài bóng đèn led được. Từ từ tôi mới nghiên cứu mua thêm mấy cái tích điện, các bộ phận điều khiển sạc, kích điện cho 12V thành 220V. Tuy nhiên, nó cũng chỉ tầm trung bình thôi chứ chưa có bơm nước được” – Ông Bá kể.

Đi từ thất bại này đến thất bại khác, hơn chục cái tua pin hư. Không nản chí, lão nông tiếp tục tìm tòi để cải tiến nghiên cứu của mình. Ông nghĩ, phải làm sao dù cho gió có thổi yếu, cánh quạt quay chậm mà tua pin vẫn chạy nhanh để phát ra điện. Rồi ông mài mò làm hộp tăng tốc, từ ít tua đến nhiều tua để cải thiện nguồn điện năng phát ra.

Ông Bá bộc bạch: “Bây giờ, đã phát ra được điện nhưng tôi chỉ gọi là tạm thôi chứ chưa thành công. Mặc dù, hiện tại nó đủ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình như: Thắp đèn, nấu cơm điện, xem tivi, bơm nước  tưới tiêu 3.000m2 vườn cây ăn trái của tôi. Khi đã tích trữ đủ, dù không có gió thì mình vẫn xài liên tục được 3 – 4 giờ. Nếu chỉ thắp đèn và quạt gió thì có thể kéo dài cả đêm. Nhưng chưa thể xài đồ điện tử có công suất lớn như máy lạnh. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục cải tiến thêm”.

“Chế ra cái này, một mặt mình vừa tận dụng được năng lượng tự nhiên, mặt khác không phải tốn tiền điện. Vì mỗi tháng, hệ thống điện gió của tôi cho ra trên dưới 300KW điện. Nếu tính giá nhà nước bây giờ, vùng xa, luỹ tuyến nọ kia cũng trên dưới 1 triệu đồng. Thành ra, mỗi tháng tôi tiết kiệm được khoản đó, mà gia đình tôi vẫn được sinh hoạt, bơm nước thoải mái, lại không sợ bị mất điện bất thình lình”_ Ông Bá chia sẻ.

Thấy mô hình ứng dụng hiệu quả nên nhiều nhà vườn xung quanh có nhu cầu sử dụng điện cũng yêu cầu ông Bá lắp đặt hộ. Sắp tới, lão nông dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra hệ thống tưới tự động điều khiển từ xa, để những khi vắng nhà ông vẫn có thể tưới vườn được.
Theo Kim Hà – Báo Tiền Phong

Trả lời